Ngoài việc tốt nghiệp loại ưu tại trường Harvard thì anh Stephen Turban – hiện đang công tác tại trường đại học Fulbright Vietnam – còn có khả năng nói được đến bốn ngôn ngữ bao gồm: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt.
Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ của mình, anh đã viết “6 nguyên tắc của tôi khi học ngoại ngữ” (My Six Principles of Language Learning). Mời các bạn cùng tham khảo do ECHO biên dịch để tìm ra phương pháp phù hợp cho riêng mình.
(Mời các bạn xem lại phần 1 tại đây)
———
Quy tắc #4: Học mọi lúc mọi nơi
Tối qua, tôi có nói chuyện với một người bạn Việt Nam về những gì cô ấy thích làm khi có thời gian rảnh. Cô ấy nói rằng cô ấy thích làm MC cho các sự kiện, nhưng nhấn mạnh rằng cô ấy chỉ muốn làm MC ngoài giờ ở trường.
“Thôi nào, Stephen”. Cô ấy giải thích bằng tiếng Việt “MC chỉ là nghề tay trái của tôi thôi”
Tôi ngay lập tức phản ứng. Đó có phải là một từ mới không? Giống như một tay huấn luyện Pokemon bắt gặp một con Mewtwo huyền thoại nơi hoang dã, tôi liền đưa tay vào túi.
Tôi lấy ra một quyển sổ có kẻ ngay ngắn và một cây bút rồi đưa nó cho bạn mình. “Nghề tay trái nghĩa là gì? Bạn có thể viết chữ đó vào đây dùm tôi không?”
Khi tôi học cùng giáo viên, tôi học một cách chọn lọc – chỉ chọn những từ, cấu trúc ngữ pháp và cách phát âm mà tôi cho rằng sẽ có ích với mình. Khi đó, tôi ít khi học các danh từ. Tuy nhiên, khi tôi ở ngoài môi trường giao tiếp thông thường, tôi sẽ cố gắng học càng nhiều càng tốt. Nghĩa là tôi cố gắng ghi lại và học từng từ và cụm từ mới mà tôi nghe thấy được.
Lý do khi học với giáo viên, tôi phải lựa bài mà học là vì họ là những người hiếm hoi có thể giải thích những phần khó, những phần nền tảng của ngôn ngữ. Ví dụ, bạn hãy thử hỏi một người nói tiếng Tây Ban Nha bất kỳ giải thích phương pháp WEIRDO để xây dựng thì giả định “subjunctive tense”, hay một người nói tiếng Anh phân tích sự khác biệt giữa “gerund” và “verbal noun”. Với hầu hết những người bản xứ, họ đều biết phải nói thế nào, nhưng họ không được huấn luyện để giải thích các chủ đề phức tạp.
Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện thông thường, bạn sẽ thấy được cách người ta nói chuyện với nhau thế nào – cách dùng tiếng lóng hay nói những câu từ mà bạn có thể sẽ không bao giờ được học trong sách. Do đó, tôi thường cố gắng ghi chép lại mọi thứ, sau đó tôi gặp giáo viên của mình để sàng lọc và tổ chức lại những gì tôi học được trong những cuộc đối thoại thông thường.
Điều quan trọng là phải hiểu rằng những cuộc nói chuyện đời thường ấy là cơ hội để học, và đừng quên ghi chép cẩn thận những gì bạn học được. Tôi khuyến khích các bạn đem theo một quyển sổ nhỏ, như cái ở dưới đây, để ghi chú bất cứ khi nào có cơ hội. Tôi thấy việc ghi chú những từ mới mỗi khi nghe, thấy là điều hết sức hữu ích.
Tôi mang theo một quyển sổ có kích thước tương tự trong túi mỗi ngày trong vòng 10 năm qua.
Quy tắc #5: Xây dựng phương pháp ôn tập
Để nắm vững những gì đã học, bạn cần tạo thói quen ôn tập và tổng hợp kiến thức của mình.
Tôi đã xây dựng được thói quen để tiếp thu và ghi nhớ các kiến thức đã học.
Mỗi buổi tối, tôi dành 10-15 phút ôn lại những gì mình đã học trong vài tuần hay vài tháng qua sử dụng Anki. Sau đó, tôi ôn lại từ vựng và ngữ pháp tôi học được ở trên lớp hay khi tương tác với người khác. Rồi tôi nhập những từ vựng và ngữ pháp mẫu vào phần mềm flashcard “Anki”.
Tôi thấy Anki rất hữu dụng cho việc học ngôn ngữ vì thuật toán lặp lại của nó. Điều đó có nghĩa là Anki cho bạn thấy những tấm thẻ phụ thuộc vào việc bạn nhớ chúng nhanh hay dễ như thế nào. Nếu có từ nào bạn thấy dễ nhớ, thì rất lâu sau, Anki sẽ cho bạn xem lại (thường là vài tháng). Nếu từ nào bạn thấy khó nhớ, Anki sẽ đưa nó vào tập flashcard ngay ngày hôm sau.
Một trong những điều quan trọng nhất để học một ngoại ngữ là xây dựng một thời khóa biểu để học và ôn. Ở Việt Nam, tôi tham gia lớp tiếng Việt 1-1 mỗi sáng ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, tôi dành một phần buổi tối để ôn tập và chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.
Thời khóa biểu học ngoại ngữ của tôi vào ngày thường sẽ là như sau.
Thức dậy: Thay quần áo và viết (ví dụ, bài viết này)
8:00 – 10:00 giờ sáng: Học tiếng Việt tại trường Vietnamese Language Studies
10:00 giờ sáng – 9:00 giờ tối: Làm việc và học từ thông qua việc giao tiếp bằng tiếng Việt
9:00 – 9:15 giờ tối: Ôn tập với Anki
9:15 – 9:45 giờ tối: Thêm từ mới vào Anki bằng cách xem lại bài học buổi sáng cũng như những gì học được trong ngày.
9:45 – 10:00 giờ tối: Xem trước bài học của ngày hôm sau.
Dưới đây, tôi đã vẽ một đồ thị đơn giản thể hiện quy trình học từ mới của mình.
Hoàn cảnh của tôi có khác một chút; tôi có thể học 1-1 với giáo viên vì chi phí cho 1 giáo viên hướng dẫn khá hợp lý ở Việt Nam. Hơn nữa, vì tôi sống ở Việt Nam, tôi nghe và tiếp xúc với từ mới một cách tự nhiên mỗi ngày. Nhưng dù hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa, bạn cũng cần chú ý tới việc xây dựng một thói quen học tập và ôn tập. Nếu không bạn không thể tiến bột một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Quy tắc #6: Điều quan trọng là bạn học bao nhiêu giờ
Khi tôi nói chuyện với những người ở hiệu thuốc, tiệm làm tóc, hay nhà hàng, tôi thường được hỏi “Bạn đã học tiếng Việt được bao nhiêu năm rồi?” Thường thì tôi sẽ trả lời rằng, tôi sống ở Việt Nam được gần 1 năm rồi và đã học tiếng Việt trong 2 năm qua, khi đó, phản ứng của mọi người thường là “Wow, bạn học nhanh quá!”
Tuy nhiên, tôi cho rằng câu hỏi đó chưa diễn tả một cách đầy đủ, vấn đề không phải là bạn đã học bao nhiêu năm, mà là bạn đã học bao nhiêu giờ. Dựa trên điều đó, tôi không nghĩ mình là một người học nhanh – tôi dành 600 – 700 giờ để học tiếng Việt trong suốt thời gian 2 năm đó.
The United States’ Foreign Service Institute (FSI) đã tạo một danh sách thể hiện khoảng thời gian mà một người nói tiếng anh có thể học được một ngôn ngữ khác. FSI đo số giờ “học tập trung” cần thiết để nắm được ngôn ngữ đó – KHÔNG PHẢI là số “năm” mà người đó học. Điều này chứng tỏ thực tế là việc học ngoại ngữ là một quá trình gian nan – cần phải dành hàng trăm hay hàng nghìn giờ để đạt được tiến bộ đáng kể.
Nếu bạn đang muốn học ngoại ngữ, nghĩa là bạn phải xây dựng một thời khóa biểu rõ ràng và dành thời gian cho việc học.
Với tôi, tôi thường dành vài tháng đầu để học thật nhiều; ví dụ như vào năm 2017, tôi chuyển tới thành phố Hồ Chí Minh và dành 4 tiếng mỗi ngày cho lớp học 1-1 và tự học thêm từ 3-4 giờ mỗi ngày. Tức là trong thời gian đó, tôi học được 400-500 giờ và đã có nền tảng đủ vững để tiếp tục học. Dù bạn muốn học thế nào đi chăng nữa, cũng không có cách nào khác ngoài việc dành nhiều thời gian cho việc học.
Giờ thì tới lượt bạn.
Cách học nào bạn thấy có hiệu quả hơn để học thêm một ngoại ngữ hay một kỹ năng mới? Bạn có muốn bổ sung gì thêm cho danh sách này không? Tôi rất hân hạnh được lắng nghe ý kiến của bạn.
Nếu bạn thích bài này, nhấn thích và chia sẻ nó nhé. Nó sẽ giúp nhiều người biết tới nó hơn!
* Rất cảm ơn Sam Galler, người hùng về ngôn ngữ và người bạn của tôi, vì đã bình luận và góp ý cho bài viết này
Ghi chú: Bài viết do giáo viên tại ECHO biên dịch!
Vui lòng trích dẫn nguồn. Xin cám ơn!
Nguồn: https://bit.ly/39TIVjT (Tác giả: Stephen Turban)
Tham khảo bản song ngữ tại đây