6 nguyên tắc học ngoại ngữ (Phần 1)

Ngoài việc tốt nghiệp loại ưu tại trường Harvard thì anh Stephen Turban – hiện đang công tác tại trường đại học Fulbright Vietnam – còn có khả năng nói được đến bốn ngôn ngữ bao gồm: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt.

Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ của mình, anh đã viết “6 nguyên tắc của tôi khi học ngoại ngữ” (My Six Principles of Language Learning). Mời các bạn cùng tham khảo do ECHO biên dịch để tìm ra phương pháp phù hợp cho riêng mình.

———
Năm vừa rồi, việc học tiếng Việt đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Mỗi ngày, từ thứ hai đến chủ nhật tôi đều đến trung tâm gần nhà để học. Đây là ngôn ngữ thứ 3 tôi học, ngoài tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha, và với mỗi ngôn ngữ, tôi thấy mình tiến bộ nhanh hơn và hiệu quả hơn. Sau đây, tôi đã tổng hợp lại những gì mình học được trong những năm qua về việc học ngoại ngữ.

Nếu bạn muốn học ngoại ngữ hay muốn tìm hiểu về phương pháp học, thì hãy đọc tiếp nhé! —

Chào anh”, tôi chào anh thợ làm tóc rồi ngồi xuống ghế. Tôi tiếp tục hỏi (bằng tiếng Việt), “Anh cắt hai bên dùm em nhé?”

Qua gương, tôi thấy anh ta nheo mắt lại, nhìn tôi với vẻ khó hiểu. Anh ta nhìn tôi thật lâu, liếc nhìn phần tóc mai của tôi một chút, rồi đưa mắt đến cánh tay trắng bệch của tôi. Có vẻ như anh ta đang muốn hỏi điều gì đó.

Cuối cùng, anh ta cũng hỏi, “Anh là người Việt hả?”

Giờ thì đến phiên tôi nheo mắt. “Ừm, không?”

Mặt anh ta bắt đầu dãn ra, chắc anh ta cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng tôi không phải một thằng đàn ông Việt bị ám ảnh với phẫu thuật thẩm mỹ và các sản phẩm làm trắng da. Rồi anh ta nói với tôi một câu mà tôi thường được nghe khi tôi chuyển đến sống ở Việt Nam, “Cha, anh nói tiếng Việt sõi quá!”

Thật ra là tôi nói tiếng Việt không có “sõi”. Tôi từng thử hỏi mua một trái chuối ở một cửa hàng tiện lợi và thay vì nói Chuối, tôi nói Chú. 

Tuy vậy, tôi thấy mình học tiếng Việt nhanh và hiệu quả hơn so với khi học tiếng Trung, và tương tự, tôi cũng cho rằng tôi học tiếng Trung nhanh hơn và hiểu nó thấu đáo hơn so với tiếng Tây Ban Nha. Lý do khiến tôi học nhanh hơn và tốt hơn là vì tôi đã nắm được các quy tắc về cách học.

Sau đây, tôi sẽ tổng hợp lại 6 quy tắc đó và chia sẻ với mọi người, để chúng ta có thể học hiệu quả hơn. Cụ thể hơn thì những quy tắc này sẽ giúp cho những ai đang học ngoại ngữ và muốn tìm kiếm một phương pháp học hiệu quả hơn để tiến bộ nhanh hơn. Ngoài ra thì nếu bạn quan tâm, đây cũng là cách mà tôi dùng để học ngoại ngữ.

Quy tắc #1: Ưu tiên học phần quan trọng trong ngôn ngữ

Tương tự như toán học, ngôn ngữ học cũng có tính liên tục – tức là phần đứng trước bổ sung nghĩa cho phép ta hiểu được phần đứng sau. Do đó, khi học một ngôn ngữ nào đó, bạn cần biết rõ rằng mình nên ưu tiên học cái gì trước, cái gì sau.

Dưới đây, tôi đã tạo một đồ thị thể hiện thứ tự ưu tiên của tôi khi học ngoại ngữ. Tôi luôn tập trung học nói và học nghe trước, rồi sau đó tôi mới học đọc và học viết. Điều đó ảnh hưởng tới trình tự của đồ thị này.

Ở đáy của kim tự tháp này là phần Phát âm. Tôi biết rất nhiều người có thể đọc trôi chảy văn học Trung Quốc. Tuy nhiên, tiếc là cách phát âm và giọng đọc của họ vẫn rất khó hiểu. Dù bạn có biết nhiều từ vựng đến thế nào đi chăng nữa, nếu bạn không thể phát âm đúng, sẽ không có ai chú ý lắng nghe bạn cả.

Tôi không cố ý lặp lại điều này nhiều lần, nhưng để hoàn thiện khả năng phát âm của mình, quan trọng là bạn phải tạo ra được cho mình một môi trường phù hợp để luyện tập. Việc học ngoại ngữ là một quá trình lặp đi lặp lại: đầu tiên, bạn nói chuyện với một người, học thêm các từ và cụm từ mới, sau đó, bạn hỏi một chuyên gia về ngôn ngữ đó để điều chỉnh và nắm vững cách dùng. 

Khi bạn có cách phát âm rõ ràng và giống với người bản xứ, mọi người sẽ muốn nói chuyện với bạn bằng tiếng của họ và dùng những từ địa phương mà bạn có thể nghe và học được. Điều này đẩy nhanh quá trình học của bạn, nhưng nếu bạn nói quá khó hiểu thì điều này sẽ rất khó xảy ra.

Điều quan trọng tiếp theo là “meta ngôn ngữ và ngữ pháp”. Meta ngôn ngữ là các từ, cụm từ và câu giúp bạn có thể nói về chính ngôn ngữ đó. Hiểu đơn giản, đó là những câu hỏi như “XXX tiếng Việt nói như thế nào”, “XXX có nghĩa là gì?” hay “X có gì khác Y?”. 

Khi bạn nắm vững meta ngôn ngữ, bạn có thể khám phá, tìm hiểu thêm về ngoại ngữ bạn đang học mà không cần phải chuyển về tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Tương tự, ngữ pháp cho phép bạn diễn tả những ý tưởng phức tạp – ví dụ như sự khác biệt giữa thì “quá khứ” và “quá khứ hoàn thành” trong tiếng Tây Ban Nha vậy.

Cuối cùng, ở phần phía trên của kim tự tháp, chúng ta có ngôn ngữ trừu tượng và ngôn ngữ cụ thể. Nhìn chung thì việc học ngôn ngữ cụ thể thông qua các tương tác hằng ngày dễ hơn rất nhiều so với việc học ngôn ngữ trừu tượng hay ngữ pháp. Ví dụ, người bản xứ sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi “Trái tôi đang cầm tên gì?” hơn là câu “Sự khác biệt giữa ‘Tôi nghĩ’ (I think) và ‘Tôi tự hỏi’ (I wonder)”. Tuy vậy, ngôn ngữ trừu tượng lại là thứ giúp bạn giao tiếp và thảo luận những vấn đề phức tạp chứ không phải là ngôn ngữ cụ thể.

Tiếc rằng những phần mềm dạy ngoại ngữ không sắp xếp từ vựng theo thứ tự ưu tiên cho người học. Tôi còn nhớ lúc tôi dùng DuoLingo để học tiếng Việt, từ thứ hai mà phần mềm đó dạy tôi là “ỔI”. Dù tôi công nhận rằng Ổi là một loại trái cây cực ngon, bản năng mách bảo với tôi rằng đó không phải là một trong những từ quan trọng nhất trong tiếng Việt. Nó là một từ cụ thể – những từ mà tôi nên học thêm sau này. 

Khi luyện tập, tôi dùng kim tự tháp ưu tiên này thường xuyên và không cho phép bản thân bị phân tâm bởi những phần kém quan trọng hơn. Ở trung tâm ngoại ngữ của tôi, các thầy cô giáo ở đó hay chọc tôi vì tôi không chịu học “các danh từ”. Nhưng mà, sự thật là không phải tôi đang cố né tránh chúng; tôi chỉ đơn giản là đang cố gắng ưu tiên học những phần nền tảng trước mà thôi.

Quy tắc #2: Học một cách có chọn lọc: học những gì quan trọng với cuộc sống của bạn, thay vì tất cả những gì có trong sách vở

Một trong những điều khiến tôi thấy hơi khó chịu khi học ngoại ngữ đó là các tài liệu học đều được chuẩn hóa. Điều đó có nghĩa là trong một cuốn sách Trung cấp tiếng Tây Ban Nha chẳng hạn, bạn sẽ học bao quát các từ vựng và khái niệm khác nhau – từ thời kỳ thực dân, đến văn học, rồi kinh doanh. Tuy nhiên, vì mỗi chúng ta có sở thích và nghề nghiệp khác nhau, chỉ có số ít những từ ta được học là thật sự có ích. Vấn đề ở đây là sách vở đang giúp chúng ta học “rộng” trong khi chúng ta đang cần học “sâu”.

 Tôi dùng hình ảnh dưới đây để thể hiện khối lượng kiến thức về ngôn ngữ. Không ai có thể biết tất cả mọi thứ, nhưng một người bản ngữ được giáo dục bài bản thường có thể hiểu rõ hầu hết các khái niệm khác nhau. Tuy nhiên, đối với người học ngoại ngữ, bạn cần phải tập trung học những khái niệm quan trọng đối với bạn, một cách nhanh chóng.

Dưới đây, tôi sẽ giải thích thêm về ý tưởng này và chia sẻ về phương pháp mà người học ngoại ngữ nên áp dụng.

Tôi lấy khối lượng kiến thức về tiếng Việt của tôi làm ví dụ cho mô hình trên. Bởi vì tôi không ăn thịt, tôi biết nhiều từ liên quan đến việc ăn chay. Vì tôi làm việc cho một trường đại học, tôi biết rất nhiều từ vựng từ căn bản đến nâng cao liên quan đến giáo dục đại học. Và vì meta ngôn ngữ rất quan trọng (ví dụ như các từ “danh từ, tính từ, vân vân” tôi biết rõ về các từ liên quan đến chủ đề đó hơn. Nhưng nếu bạn nói với tôi về những chủ đề khác, như các loại cây chẳng hạn, tôi sẽ biết rất ít và sẽ khó trao đổi về chủ đề này hơn.

Lý do quan trọng mà ta cần học một cách chọn lọc là để có thể tìm hay tạo ra những “cụm từ anchor”. Đó là những cụm từ mà bạn A) Biết rằng mình sẽ phải dùng thường xuyên (và do đó ghi nhớ) hay B) Cảm thấy dễ dàng ghi nhớ. Khi tôi học một từ hay một cấu trúc ngữ pháp mới, tôi thường cố gắng tạo ra một cụm từ/câu mà tôi biết rằng tôi sẽ muốn sử dụng lại. Ví dụ, khi tôi học từ “ở đâu” trong một ngôn ngữ, “cụm từ anchor ” của tôi sẽ là “nhà vệ sinh ở đâu?” bởi vì tôi biết mình rất hay đi toilet.

Quy tắc #3: “Đừng sợ mắc lỗi” là một lời khuyên tệ hại

Học một ngôn ngữ mới cũng tương tự như việc xây dựng một tòa nhà – để có thể tạo nên một cấu trúc ổn định, vững chãi, bạn phải đầu tư để tạo nên một nền móng vững chắc. Tuy vậy, tôi để ý thấy nhiều người thường vô tư bỏ qua lỗi sai của mình, thay vì cố gắng chỉnh sửa nó.

Một trong những lời khuyên tôi hay nghe về việc học ngoại ngữ là “Đừng sợ mắc lỗi”. Dù tôi hiểu ý của họ là bạn nên tự tin, chủ động nói chuyện với mọi người dù biết rằng mình sẽ mắc lỗi, nhưng lời khuyên này thật ra khá nguy hiểm. Bạn nên sợ mắc lỗi, nếu không, nó có thể dần trở thành những thói quen xấu. 

Khi bạn học một ngoại ngữ, nhất là vào thời gian đầu, bạn sẽ cần liên tục xây dựng, bồi đắp lên nền tảng ban đầu, và những lỗi sai này sẽ dần tích tụ lại. Như tiếng Trung chẳng hạn, nếu bạn học sai các âm điệu, bạn sẽ có một thói quen khiến bạn học ngày càng tệ đi. Với ngữ pháp cũng vậy, nếu bạn nhớ sai một cấu trúc câu, bạn sẽ dần bị mất căn bản và người bản ngữ sẽ không thể hiểu được ý bạn muốn nói hay diễn đạt gì.

Khi bạn học sai, sẽ rất khó để có thể chỉnh sửa lại cho đúng. Ví dụ, sau khi học tiếng Việt được hai tháng, tôi nhận ra rằng tôi không thể phân biệt được âm “T” và “Đ”. Do đó, tôi đã phải dành 5-6 tiếng để quên những gì đã học và học lại cách phát âm đúng. Tôi thấy thà học chậm mà chắc, thà học chậm mà mắc ít lỗi còn hơn học nhanh mà mắc nhiều lỗi nghiêm trọng.

Có lẽ tôi sẽ thay đổi lời khuyên đó, thành: “Đừng sợ khi phải nói chuyện với người khác, nhưng nên cảm thấy sợ hãi khi cứ liên tục mắc lỗi mà không chịu sửa.”

Xem tiếp phần 2 tại đây để tìm hiểu về 3 nguyên tắc còn lại nhé!

Ghi chú: Bài viết do giáo viên tại ECHO biên dịch!
Vui lòng trích dẫn nguồn. Xin cám ơn!

Nguồn: https://bit.ly/39TIVjT (Tác giả: Stephen Turban)

Tham khảo bản song ngữ tại đây

error: Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách sử dụng các biểu tượng mạng xã hội bên dưới :)