Phát triển chuyên môn – bắt đầu từ đâu?
Bạn đã và đang làm gì để phát triển năng lực giảng dạy của mình?
Thông thường, nếu một giáo viên tiếng Anh muốn phát triển bản thân, họ sẽ cần liên tục trau dồi hai khía cạnh, thứ nhất là trình độ tiếng Anh và thứ hai chính là kỹ năng sư phạm. Tuy nhiên, làm thế nào để tự phát triển năng lực dạy và học Tiếng Anh là một con đường dài và có nhiều thách thức.
Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là việc thiếu các hoạt động đào tạo, phát triển chuyên môn cho giáo viên, thiếu môi trường cho giáo viên thực hành sử dụng tiếng Anh thường xuyên và thiếu một cộng đồng, nơi các giáo viên có thể cùng chia sẻ ý tưởng và học hỏi lẫn nhau cũng khiến nhiều giáo viên không có nhiều cơ hội để tự bồi dưỡng và nâng cao năng lực. Điều này đặc biệt đúng đối với các giáo viên đang giảng dạy ở các trung tâm nhỏ, hay các mái ấm, cơ sở bảo trợ trẻ em, tổ chức phi lợi nhuận và các giáo viên dạy kèm, dạy thêm tự do.
Đương nhiên, việc phát triển chuyên môn cũng phụ thuộc rất nhiều vào cam kết và nỗ lực của từng giáo viên. Theo khảo sát do ECHO thực hiện vào đầu năm 2022, hầu hết các giáo viên đều sẵn sàng học hỏi để cải thiện bản thân và mong muốn được hỗ trợ cũng như tạo cơ hội tham gia vào chương trình đào tạo, tăng cường năng lực.
Thế nhưng, hầu hết các giáo viên, đặc biệt là các bạn không được đào tạo chính quy, cho biết do không được định hướng phát triển chuyên môn một cách rõ ràng và cụ thể, nên dẫn đến việc dù rất muốn phát triển bản thân, họ cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, hay đích đến nên là gì, một giáo viên tiếng Anh giỏi sẽ cần có những bằng cấp, kỹ năng cụ thể nào.
Chính vì vậy, hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sơ đồ phát triển năng lực giáo viên do Hội Đồng Anh đề xuất và cách vận dụng nó để tự nâng cao trình độ và chất lượng giảng dạy Tiếng Anh của chính mình.
Giới thiệu sơ đồ phát triển năng lực giáo viên
Sơ đồ phát triển năng lực giáo viên do Hội Đồng Anh đề xuất (the British Council’s Continuing Professional Development (CPD) Framework) được thiết kế cho giáo viên của tất cả các bộ môn, trong đó có tiếng Anh. Theo sơ đồ này, có tổng cộng 12 mảng kỹ năng và kiến thức giảng dạy cần thiết một người cần nắm vững để có thể trở thành một giáo viên giỏi, bao gồm:
- Planning lessons and courses (Lên giáo án và chương trình học)
- Understanding learners (Hiểu về người học)
- Managing the lesson (Quản lý lớp học)
- Knowing the subject (Nắm vững kiến thức tiếng Anh)
- Managing resources (Quản lý tài liệu và học cụ)
- Assessing learning (Đánh giá quá trình và kết quả học tập)
- Integrating ICT (Tích hợp công nghệ thông tin trong giảng dạy)
- Taking responsibility for professional development (Chịu trách nhiệm phát triển chuyên môn)
- Using inclusive practices (Đảm bảo sự tham gia của tất cả học sinh)
- Using multilingual approaches (Sử dụng các phương pháp tiếp cận đa ngôn ngữ)
- Promoting 21st-century skills (Thúc đẩy các kỹ năng của thế kỷ 21)
- Understanding educational policies and practice (Hiểu và cập nhật các thông tin về chính sách giáo dục)
Và mỗi mảng sẽ có bốn giai đoạn phát triển như sau:
Giai đoạn 1: Awareness (tạm dịch Nhận biết, nhận thức)
Ở giai đoạn này, bạn đã nghe hay biết đến tên gọi của kiến thức hay kỹ năng giảng dạy nào đó. Ví dụ, bạn từng nghe nói tới Integrating ICT (Tích hợp công nghệ thông tin trong giảng dạy) nhưng chưa từng tìm hiểu hay sử dụng nó.
Giai đoạn 2: Understanding (tạm dịch Hiểu)
Bạn biết kiến thức hay kỹ năng giảng dạy là gì, và tại sao nó lại quan trọng
Giai đoạn 3: Engagement (tạm dịch Thực hành)
Bạn có ứng dụng kiến thức hay kỹ năng giảng dạy đó vào bài giảng
Giai đoạn 4: Integration (tạm dịch Thành thạo)
Bạn hiểu rõ kiến thức hay kỹ năng giảng dạy này và thường xuyên ứng dụng nó, một cách thành thạo vào lớp học và bài giảng của mình.
Bên cạnh đó, bạn có thể theo dõi hoặc thể hiện kỹ năng sư phạm và trình độ tiếng Anh của mình qua các bằng cấp nào?
Đối với việc giảng dạy, bạn có thể học các chứng chỉ (certificate, diploma), hay các bằng cấp như cử nhân (BA), thạc sỹ (MA) và tiến sỹ (PhD) để bồi dưỡng chuyên môn và trau dồi kiến thức.
Thông thường, để đối chiếu trình độ tiếng Anh, các giáo viên sẽ cần sử dụng CEFR – Common European Framework of Reference for Languages (tạm dịch Khung Tham Chiếu Ngôn Ngữ Chung Châu Âu) làm chuẩn. CEFR là một tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng để mô tả khả năng sử dụng ngôn ngữ của một người và được phân thành 6 bậc, từ người mới bắt đầu (A1) cho đến những người có thể sử dụng thành thạo một ngôn ngữ nào đó (C2).
Dưới đây là bảng so sánh giữa CEFR, Cambridge và IELTS do ECHO biên soạn, mời bạn tham khảo.
Bạn có thể làm gì để phát triển chuyên môn?
Nếu bạn:
- Là sinh viên sư phạm Anh sắp tốt nghiệp?
- Giỏi ngoại ngữ và mong muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Anh?
- Đang làm việc tại các trung tâm, trường học hay đang dạy kèm, dạy thêm?
- Đang làm việc, tình nguyện tại các mái ấm, trung tâm bảo trợ trẻ em, tổ chức Phi lợi nhuận hoạt động tại Việt Nam?
Bạn có thể tìm hiểu thêm về khóa học Mastering the Art of Teaching English. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm đọc các tài liệu được đăng tải trên website của ECHO hay kết nối với cộng đồng giáo viên Teacher For Change để cùng thảo luận, trao đổi và học hỏi lẫn nhau.
Chúc bạn thành công!
Ghi chú: Bài viết do giáo viên tại ECHO tham khảo và biên soạn từ kinh nghiệm cá nhân, khảo sát của ECHO và tài liệu sau:
Continuing Professional Development (CPD) Framework for teachers, British Council
https://www.cambridgeenglish.org/exams-and-tests/ielts/
Vui lòng trích dẫn nguồn. Xin cám ơn!