Ứng dụng EQ vào công việc và cuộc sống

Khi đài BBC quyết định giải thể 1 bộ phận có hơn 200 nhân viên, ban giám đốc đã cử 1 vị sếp đến nhằm thăm hỏi, động viên những nhân viên này. Tuy nhiên, vị sếp đó lại không chú ý đến bầu không khí căng thẳng ở đây mà bắt đầu huyên thuyên về việc đối thủ cạnh tranh của họ đang hoạt động tốt ra sao và kể về kỳ nghỉ của ông ta vui thế nào. Các nhân viên nổi nóng và bắt đầu “làm căng” vì phải chịu sự đả kích từ vị sếp thiếu tế nhị kia, họ giận đến nỗi vị sếp ấy phải gọi vệ sĩ hộ tống mình ra ngoài.

Ngày hôm sau, một vị sếp khác được cử đến nhưng ông lại tiếp cận đội ngũ này theo một cách hoàn toàn khác. Đầu tiên, ông tâm sự với họ một cách chân thành về tầm quan trọng của nghề làm báo và khẳng định rằng: nhà báo không phải là nghề để làm giàu vì lương thưởng không cao và công việc đôi khi cũng khá nguy hiểm. Thêm vào đó, ông chia sẻ về việc công ty biết ơn và ghi nhận những dự án tuyệt vời mà họ đã thực hiện cũng như bầu không khí nhiệt huyết họ đã xây dựng. Cuối cùng, ông chúc họ gặt hái được thành công trên con đường sự nghiệp trong tương lai. Kết quả là khi ông dứt lời, tập thể nhân viên vỗ tay nhiệt liệt. [1]

Sự khác biệt của hai vị sếp trên nằm ở mức độ thấu hiểu và cảm thông của họ đối với những người xung quanh, từ đó khiến họ truyền tải thông điệp theo các cách khác nhau. Một người khơi lên sự tiêu cực và giận dữ, còn người kia hướng nhân viên đến sự lạc quan, thậm chí còn truyền cảm hứng cho họ trước tình hình khó khăn. Thông qua hai tình huống kể trên, chắc rằng chúng ta đều có thể thấy được tầm quan trọng, cũng như sức mạnh của trí thông minh cảm xúc trong công việc và cuộc sống, đặc biệt là với những người giữ vai trò lãnh đạo. 

Vậy trí tuệ cảm xúc (EQ – Emotional Quotient/ Emotional Intelligence) là gì?

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận biết và quản lý, kiểm soát cảm xúc của bản thân, đồng thời hiểu được cảm nhận của người khác, qua đó điều chỉnh suy nghĩ và phương pháp giao tiếp phù hợp, nhằm tạo ra những kết quả/ảnh hưởng tích cực.

Người có trí tuệ cảm xúc cao thường có những đặc điểm gì?

Theo Daniel Goleman – người đã góp phần giúp thuật ngữ “Trí tuệ cảm xúc” được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay thông qua tựa sách “Emotional Intelligence – Why it can matter more than IQ” (tạm dịch “Trí tuệ cảm xúc: Vì sao EQ quan trọng hơn IQ”) – cho rằng, trí tuệ cảm xúc thường thể hiện qua 5 đặc điểm sau đây [3, 4]: 

Khả năng tự nhận thức (self-awareness) 

Đây là khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc, điểm mạnh, điểm yếu, nhu cầu, giá trị, … của bản thân, cũng như hiểu về việc hành động và cảm xúc của họ có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh, hay kết quả công việc như thế nào. 

Chẳng hạn, họ sẽ cố gắng sắp xếp thời gian làm việc một cách khoa học để hoàn thành công việc sớm, vì họ biết họ sẽ trở nên dễ nổi nóng và căng thẳng khi sắp đến deadline (hạn chót hoàn thành công việc). Hoặc họ sẽ chia sẻ thẳng thắn với bạn suy nghĩ và cảm nhận của họ về một vấn đề họ đang trải qua, để hai bên có thể cùng hiểu và thông cảm với nhau hơn. 

Những người có khả năng tự nhận thức cao cũng có xu hướng đưa ra những lựa chọn phù hợp với giá trị và mục tiêu của bản thân, thay vì thỏa hiệp và chạy theo tiền tài, danh vọng một cách bất chấp. Họ cũng là những người có phong thái tự tin, luôn tìm kiếm những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, đồng thời, cũng sẵn sàng kêu gọi người khác giúp đỡ nếu cần bởi họ nắm rõ khả năng của mình.

Khả năng kiểm soát bản thân (self-regulation)

Ngoài khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của mình, người có trí tuệ cảm xúc cao còn có khả năng kiểm soát bản thân. Điều đó không có nghĩa họ không bao giờ cảm thấy bực bội hay khó chịu, cũng như họ sẽ có xu hướng che giấu cảm nhận của mình.

Ngược lại, họ có khả năng kiểm soát và thể hiện cảm xúc một cách phù hợp, đúng nơi, đúng chỗ. Họ bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo, cân nhắc các lựa chọn để đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất có thể, và tuyệt đối không hành động một cách thiếu suy nghĩ, vội vàng hấp tấp. 

Ví dụ, thay vì giận dữ đập bàn, đá ghế, la hét hay lườm nguýt người khác khi kết quả kinh doanh không tốt, một người quản lý có trí tuệ cảm xúc cao trước tiên sẽ cẩn thận xem xét các lý do dẫn đến điều này. Có phải là do mọi người chưa nỗ lực? Có yếu tố khách quan nào khác gây ảnh hưởng đến kết quả? Họ cũng sẽ xem lại nhằm xác định bản thân có vai trò như thế nào trong sự việc này.

Sau đó, họ sẽ thẳng thắn trao đổi với nhân viên về tình hình và mức độ nghiêm trọng của vấn đề, hậu quả của nó, cũng như họ cảm thấy như thế nào về những gì đã và đang diễn ra. Tiếp đến, họ sẽ chia sẻ suy nghĩ, phân tích vấn đề và đề ra các phương án giải quyết phù hợp. Chính vì lẽ đó, họ vô cùng linh hoạt và dễ thích ứng với môi trường xung quanh, đồng thời có khả năng giải quyết căng thẳng và mâu thuẫn rất tốt.

Khả năng tự tạo động lực (motivation)

Đối với những người giàu trí tuệ cảm xúc, động lực thúc đẩy họ cố gắng, nỗ lực không đến từ bên ngoài (extrinsic motivation), nó xuất phát từ bên trong (intrinsic motivation), từ mong muốn đạt được kết quả, mục tiêu một cách xuất sắc nhất có thể.

Họ kiên trì, có tính cam kết cao và hầu như rất hiếm khi trì hoãn trong công việc. Đồng thời, họ cũng là những người có xu hướng đặt ra những yêu cầu cao đối với bản thân và khi họ giữ vai trò quản lý, họ cũng sẽ có những kỳ vọng tương tự với đồng đội và nhân viên của mình.

Đôi khi, chúng ta có thể bắt gặp họ chìm đắm trong công việc mà họ đam mê, ta sẽ thấy họ gắng công nghiên cứu, học hỏi, liên tục sáng tạo, liên tục tìm kiếm những cách làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Và một tổ chức muốn thành công không thể không có những con người như vậy!

Khả năng thấu cảm (empathy)

Mỗi người chúng ta là một cá thể độc lập, không ai giống ai, và dù cùng trải qua một tình huống giống nhau, chúng ta sẽ có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Trong một số trường hợp, chúng ta sẽ cảm thấy những quyết định của người khác rất khó hiểu và tự nhủ rằng, nếu mình là họ, mình sẽ làm khác đi. 

Những người có EQ cao lại có khả năng đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu cảm xúc của đối phương. Tuy vậy, họ không phải là kiểu người gió chiều nào theo chiều ấy, và cũng chẳng bao giờ cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.

Họ sẽ cẩn trọng đánh giá các yếu tố khác nhau, cũng như lắng nghe ý kiến, cân nhắc cảm nhận của người khác một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định và hành động. Câu chuyện về hai vị sếp ở đài BBC là ví dụ điển hình cho tầm quan trọng của khả năng này.

Một điều nữa bạn cần nhớ là phải phân biệt giữa đồng cảm (sympathy) và thấu cảm (empathy). Để hiểu rõ hơn về hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn này, hãy cùng tham khảo video sau nhé!

Kỹ năng xã hội (social skills)

Một trong những điều không thể chối cãi là những người có EQ cao thường là những người rất biết cách đối nhân xử thế, họ có khả năng ứng biến một cách khéo léo, chừng mực, và được nhiều người yêu quý, nể trọng. 

Họ có thể dễ dàng kết nối, xây dựng, duy trì các mối quan hệ với mọi người, và rất giỏi thuyết phục người khác. Họ luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác với người khác, và điều phối công việc, không cố gắng làm mọi thứ một mình, bởi lẽ họ hiểu rằng, nếu muốn đi xa phải đi cùng nhau.

———

Ghi chú: Bài viết do giáo viên tại ECHO biên soạn.
Vui lòng trích dẫn nguồn. Xin cám ơn!

Tài liệu tham khảo:
[1] Primal Leadership: Unleashing the Power of Emotional Intelligence.pdf
[2] What is Emotional Intelligence_John D. Mayer (2004).pdf
[3] Emotional Intelligence Why it Can Matter More Than IQ.pdf
[4] What Makes a Leader?_Harvard Business Review 2004.pdf

error: Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách sử dụng các biểu tượng mạng xã hội bên dưới :)