Hướng dẫn cách viết CV hiệu quả

1. CV là gì?

Tại Việt Nam, CV (Curriculum Vitae) [1] thường được hiểu là một bản tóm tắt kinh nghiệm làm việc, quá trình học tập, các thành tích và kỹ năng liên quan tới công việc mà bạn muốn ứng tuyển.

Thông thường, rất nhiều ứng viên có thể quan tâm và tham gia ứng tuyển vào cùng một vị trí. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ khó sắp xếp thời gian để phỏng vấn tất cả mọi người. Chính vì vậy, họ sẽ xem xét CV của các ứng viên để đánh giá và cân nhắc lọc ra những ứng viên không phù hợp trước vòng phỏng vấn.

Do đó, nếu bạn muốn tăng thêm cơ hội thể hiện bản thân tại những vòng sau để có thể tìm được một công việc phù hợp tại công ty hay tổ chức bạn yêu quý, thì việc xây dựng một CV chuyên nghiệp, chỉn chu là một trong những bước vô cùng quan trọng.

2. Cần chuẩn bị gì để viết một CV hiệu quả

Đối với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, hoặc người mới tốt nghiệp, các bạn hay có suy nghĩ rằng mình nên “rải CV”, nên ứng tuyển vào càng nhiều vị trí, càng nhiều công ty, tổ chức thì sẽ càng có nhiều cơ hội được mời phỏng vấn hơn. 

Tuy nhiên, một ứng viên với CV có nội dung chung chung, được dùng một cách đại trà cho tất cả các nhà tuyển dụng sẽ khó cạnh tranh với các ứng viên đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về công ty, tổ chức, về vị trí công việc để thiết kế CV thể hiện được các kinh nghiệm liên quan, kỹ năng nổi bật, phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Do đó, trước khi nộp đơn ứng tuyển, hãy chắc rằng bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng về nhà tuyển dụng cũng như hiểu rõ yêu cầu công việc để thiết kế một CV ấn tượng.

Bí kíp: Hãy đọc kỹ bản mô tả công việc (Job description), nội dung công việc (Responsibilities), yêu cầu về bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm (Requirements) và ghi chú lại những từ khóa quan trọng, hay có xu hướng được lặp đi lặp lại nhiều lần. 

 

3. Những nội dung cơ bản của một CV

Thông thường, một CV sẽ gồm một số nội dung cơ bản như sau:

  • Thông tin cá nhân: Họ tên, số điện thoại, email liên lạc. Một số công ty, tổ chức khác nhau có thể cần thêm một số thông tin khác, ví dụ như địa chỉ nhà, ngày tháng năm sinh. Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu được thực hiện bằng cách phân tích hơn 125,000 vào năm 2021, CV có đường dẫn (link) đến hồ sơ LinkedIn có cơ hội vào vòng phỏng vấn cao hơn 71% so với các CV không có LinkedIn [2]. Do đó, nếu bạn muốn ứng tuyển vào một công ty, tổ chức nước ngoài, bạn có thể cân nhắc thêm hồ sơ LinkedIn vào CV của mình nhé.
  • Tóm tắt mục tiêu nghề nghiệp: Chia sẻ về tóm tắt về kỹ năng của bản thân và mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai. Đây là phần bắt buộc nếu bạn muốn nộp đơn vào một công ty, tổ chức quốc tế. Ngoài ra, khi tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị, văn hóa của công ty, tổ chức ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, thì trong nhiều trường hợp, bạn cũng có thể chia sẻ sứ mệnh của bản thân để chứng minh, khẳng định về sự tương đồng giữa mục tiêu cá nhân của bạn và định hướng phát triển của công ty, tổ chức.

  • Kinh nghiệm làm việc: Liệt kê chi tiết những kinh nghiệm liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển. Hãy sắp xếp theo thứ tự từ công việc gần nhất đến các công việc trong quá khứ. Trong phần này, bạn cần cung cấp đầy đủ tên công ty, tổ chức bạn từng làm việc, thời gian làm việc, các chức vụ, một đoạn tóm tắt về công việc của bạn, kèm theo các nội dung chi tiết, ngắn gọn, súc tích về trách nhiệm cũng như kết quả bạn đạt được trong quá trình làm việc.
  • Hoạt động ngoại khóa: Cung cấp thông tin về những câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, tình nguyện bạn từng tham gia, cần đảm bảo những hoạt động đó có liên quan đến ngành  nghề hoặc vị trí ứng tuyển. Đặc biệt, nếu bạn ứng tuyển vào các tổ chức phi lợi nhuận (trong nước và quốc tế), các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, hay ứng tuyển học bổng, v.v., đây sẽ là cơ hội để bạn ghi điểm.
  • Trình độ học vấn: Ghi rõ ngành học, thời gian học, tên trường Đại học/Cao đẳng/ Trung cấp hoặc các khóa học ngắn hạn mà bạn đã tham gia.
  • Thông tin người liên hệ tham khảo (reference): Người này có thể là giáo viên, hay quản lý của bạn, Người này sẽ phải là một người mà bạn tin tưởng, đồng thời, họ phải hiểu về tính cách và những kỹ năng của bạn. Nhà tuyển dụng có thể liên hệ với những người này để tìm hiểu thêm về khả năng và thái độ của bạn khi làm việc.

4. Những lỗi cần tránh khi viết CV

Trước tiên, hãy xem thử CV sau đây nhé!

Bạn nghĩ gì về CV này? Nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn sẽ tuyển ứng viên này chứ? Câu trả lời có thể là không!

Vậy theo bạn, bạn cần tránh những lỗi nào khi viết CV?

#1 Font chữ, màu sắc
  • Nên dùng font chữ đơn giản, đừng quá cầu kỳ, uốn lượn.
  • Gửi CV dưới dạng file pdf để tránh bị lỗi font.
  • Đối với tiêu đề mỗi phần, có thể viết IN HOA, hoặc in đậm, hay dùng một màu khác để làm nổi bật.
  • Tuy nhiên, không dùng nhiều màu, đặc biệt tránh tuyệt đối các màu dạ quang, màu sáng, khiến chữ trở nên khó đọc.
  • Không trang trí CV quá sặc sỡ, màu mè. Nếu bạn ứng tuyển vào vị trí liên quan đến các hoạt động thiết kế, nghệ thuật, v.v, hãy đính kèm hồ sơ năng lực (Portfolio) của bạn vào email, và gửi đến nhà tuyển dụng cùng với CV và Thư giới thiệu bản thân (Cover letter).
#2 Bố cục
  • Hãy đặt Kinh nghiệm làm việc, Hoạt động ngoại khóa lên trước, và đặt thông tin về Trường học, chứng chỉ ở vị trí cuối cùng của CV.
  • Đối với một số trường hợp, bạn có thể trình bày CV theo dạng word, viết liên tục từ trên xuống dưới (có viết hoa, viết đậm, làm nổi bật tiêu đề). Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng thêm một số nền tảng (ví dụ như Canva) để sắp xếp bố cục các phần, giúp CV của bạn trở nên rõ ràng, dễ đọc, từ đó, giúp bạn trở nên nổi bật hơn so với các ứng viên khác.

#3 Nội dung
  • Chỉ viết những hoạt động liên quan đến vị tri công việc bạn muốn ứng tuyển. Không liệt kê tất cả các hoạt động, các công việc, và đặc biệt không đưa thông tin về những công việc không liên quan vào CV.
  • Kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp cẩn thận. 
  • Chú ý đến những từ khóa trong bản mô tả công việc để đưa vào CV những thông tin phù hợp.
  • Khuyến khích viết CV bằng tiếng Anh để thể hiện khả năng của bản thân.
  • Không dùng các từ ngữ khoa trưởng, sáo rỗng, chung chung. Ví dụ, thay vì nói “Tôi có là một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing”, hãy nêu cụ thể những kỹ năng bạn giỏi trong lĩnh vực đó.
  • Khi liệt kê kinh nghiệm làm việc của bản thân, hãy cung cấp số liệu hay bằng chứng thể hiện kết quả và thành tựu của bạn. Bạn có thể tham khảo công thức sau:

Tôi đã làm được việc [X], bằng cách [Y], đo lường hiệu quả sử dụng chỉ tiêu [Z]

Ví dụ: “Đóng góp vào tổng doanh thu 50 triệu đồng, thông qua việc viết hơn 20 bài báo, làm 5 video dài, 10+ video ngắn và chạy quảng cáo trên mạng xã hội, qua đó tăng 25% lưu lượng truy cập trang web của công ty.”

ECHO hy vọng, qua bài viết này, các bạn đã nắm được những bí kíp cần thiết để có thể thiết kế cho mình một CV chất lượng. Chúc bạn may mắn và thành công.

———

Ghi chú: Bài viết do giáo viên tại ECHO biên soạn.
Vui lòng trích dẫn nguồn. Xin cám ơn!

Tài liệu tham khảo

[1] Tại Việt Nam, chúng ta hiểu CV tương tự như resume, tuy nhiên, tại Mỹ, hai loại giấy tờ này lại được thiết kế và sử dụng khác nhau, bạn có thể tham khảo bài viết CV vs. Resume Guide (Center for Career Development – Princeton University) để tìm hiểu thêm về sự khác biệt của hai loại văn bản này nhé!
[2] https://cultivatedculture.com/resume-statistics/
[3] How to write a CV [Get noticed by employers]

error: Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách sử dụng các biểu tượng mạng xã hội bên dưới :)