Mục tiêu của giáo viên khi dạy tiếng Anh hay bất kỳ một ngôn ngữ nào khác là giúp học sinh xây dựng nền tảng kiến thức và hiểu biết vững chắc về phát âm (pronunciation), từ vựng (vocabulary) và ngữ pháp (grammar) của ngôn ngữ đó. Đồng thời, giúp học sinh sử dụng ngôn ngữ đó để giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) một cách thành thạo.
Khi dạy hay rèn luyện một khía cạnh (phát âm, từ vựng, ngữ pháp) hay một kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) nào đó, thì những khía cạnh và những kỹ năng khác cũng sẽ được trau dồi.
Ví dụ, khi bạn dạy hoặc luyện phát âm, bạn cũng có thể gia tăng vốn từ của mình, hay học thêm một số cụm từ và cấu trúc câu vô cùng thú vị. Và lúc bạn dành thời gian để rèn luyện kỹ năng nghe, bạn cũng đang tích lũy kiến thức để phục vụ cho việc nói, đọc và thậm chí là viết của mình.
Do đó, tuy bài viết này chủ yếu đề cập đến các hoạt động giáo viên có thể ứng dụng để giúp học sinh học từ vựng, các bạn hoàn toàn có thể lồng ghép các kiến thức và kỹ năng khác vào bài giảng của mình.
Một số ý tưởng giúp học sinh nhớ từ vựng tại lớp
Đối với các lớp có từ 2 học sinh trở lên, đặc biệt với những bạn nhỏ tuổi, hoặc trẻ trung, năng động, các bạn hoàn toàn có thể cho điểm cộng cho mỗi câu trả lời đúng. Một chút cạnh tranh, điểm thưởng khích lệ sẽ khiến tất cả học sinh cùng nỗ lực, cùng tham gia và sẽ giúp lớp học có thêm nhiều năng lượng tích cực.
Level 1
Hoạt động 1: Listen and repeat / Look and read
Ở hoạt động này, bạn có thể sử dụng slide trình chiếu, flashcard, hoặc hình vẽ. Sau đó, bạn có thể yêu cầu học sinh nghe và lặp lại từng từ, bạn có thể tự đọc hoặc dùng file ghi âm (audio). Thông thường, các giáo viên sẽ đọc các từ theo thứ tự từ trên xuống dưới và từ trái qua phải để học sinh dễ theo dõi.
Tiếp theo, bạn có thể chỉ một từ bất kỳ, có thể theo hoặc không theo thứ tự, bạn có thể mời cả lớp cùng đọc, hoặc mời từng học sinh đọc từ được bạn chỉ vào. Bạn nên lưu ý sửa phát âm cho học sinh của mình trong quá trình dạy từ vựng.
Hoạt động 2: How many fingers + Clap / Move your hands
Mục tiêu của hoạt động này là để giúp học sinh hiểu về âm tiết (syllable), đồng thời học cách phân biệt và nhớ dấu nhấn (stress) của một từ nào đó. Để tổ chức hoạt động này, trước tiên, bạn có thể yêu cầu học sinh giơ số ngón tay thể hiện số âm tiết của từ đó. Sau đó, bạn có thể yêu cầu học sinh vỗ tay tại dấu nhấn của từ.
Ví dụ, với từ apple, dấu nhấn nằm ở âm tiết (syllable) thứ 1, vậy học sinh sẽ vỗ tay 1 lần tại âm tiết thứ nhất. Từ avocado có 2 dấu nhất, dấu nhấn chính ở âm tiết thứ 3 và dấu nhấn phụ ở âm tiết thứ 1, vậy học sinh có thể vỗ tay 2 lần và sẽ vỗ tay mạnh hơn ở âm tiết có dấu nhấn chính. Ngoài việc vỗ tay, bạn có thể yêu cầu học sinh di chuyển bàn tay lên xuống để thể hiện vị trí có dấu nhấn.
Hoạt động 3: Quick ears / eyes + (Run) and circle / connect / write the word + Grab the object / flashcard /act
Bạn có thể mời từng học sinh, 2 học sinh, hoặc chia lớp thành 2-3 nhóm và mời 1 đại diện của các nhóm tham gia. Ở hoạt động này, bạn sẽ yêu cầu học sinh lắng nghe một từ hoặc nhìn thật kỹ khi bạn cho học sinh xem 1 flashcard có chứa từ đó thật nhanh. Sau đó, học sinh sẽ lên bảng để khoanh tròn từ hoặc hình ảnh của từ được nhắc đến/từ trên flashcard.
Nếu cần, bạn có thể chọn 1 học sinh và nhờ bạn đọc hoặc giơ flashcard cho lớp. Và nếu chủ đề bạn dạy có thể sử dụng âm thanh để mô tả (ví dụ như chủ đề xe cộ chẳng hạn), bạn có thể khích thích trí tò mò, tưởng tượng và sự tập trung của học sinh bằng cách cho họ nghe tiếng xe máy, xe hơi và đoán xem đó là phương tiện nào.
Bạn cũng có thể yêu cầu học sinh nối một từ với hình ảnh của từ đó. Hoặc viết một từ bên cạnh hình ảnh của từ đó. Nếu mỗi học sinh đều có bảng con, bạn có thể cho cả lớp tham gia viết từ, và yêu cầu học sinh giơ bảng lên sau khi viết xong.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể đặt các vật dụng, flashcard lên bàn và yêu cầu học sinh lấy vật hoặc flashcard của từ mà bạn nghe/nhìn thấy. Nếu từ vựng là một hành động, học sinh có thể diễn tả hành động đó.
Hoạt động 4: Missing letter(s) / Missing word(s)
Ở hoạt động này, bạn sẽ cần yêu cầu học sinh dành một vài phút để cố gắng học thuộc từ vựng. Sau đó, yêu cầu học sinh nhắm mắt, khi đó, bạn sẽ xóa 1 hoặc 2, 3 chữ cái (letter) hoặc từ (word) trên bảng (bạn có thể bắt đầu bằng 1 chữ cái/từ, rồi từ từ tăng lên, xóa 2, 3 chữ cái/từ một lần). Tiếp đến, yêu cầu học sinh mở mắt và đọc to chữ cái/từ bị xóa mất. Ngoài ra, bạn có thể thử cho học sinh đánh vần (spell) từ đó một cách hoàn chỉnh.
Level 2
Hoạt động 1: Rearrange the letter
Như bạn có thể thấy trong hình bên dưới, ở hoạt động này, các chữ cái trong từ và cụm từ đang được sắp xếp theo thứ tự lộn xộn và học sinh sẽ cần sắp xếp lại chúng theo đúng thứ tự. Sau đó, học sinh có thể đọc to từ hoặc cụm từ hoàn chỉnh, hoặc phải đánh vần từ, cụm từ đó theo đúng thứ tự.
Hoạt động 2: Spelling / Write in the air / Lip reading
Ở hoạt động này, các bạn có thể đánh vần, hoặc viết một từ, cụm từ nào đó bằng đầu ngón tay và học sinh sẽ đoán xem từ, cụm từ đó là gì. Hoặc các bạn sẽ đọc từ, cụm từ đó với âm lượng nhỏ, mục đích là để học sinh quan sát khẩu hình miệng của bạn để đoán đó là từ, cụm từ gì. Điều này đặc biệt có ích trong việc giúp học sinh chú ý và chỉnh sửa phát âm của mình.
Hoạt động 3: Hot seat / Draw / Mime / Write on the back
Với hoạt động này, một học sinh, hoặc 1 thành viên của nhóm sẽ đứng trước lớp. Các thành viên còn lại sẽ cố gắng mô tả một từ, hoặc cụm từ, v.v. sử dụng lời nói, âm thanh, hình vẽ hoặc hành động để học sinh đang ở vị trí hot seat đoán.
Một cách khác bạn có thể sử dụng để tổ chức hoạt động này là cho học sinh đứng thành hàng, 1 bạn đứng ở đầu hàng sẽ được biết từ, cụm từ đó là gì, bạn đó sẽ dùng một dụng cụ (an toàn) để viết lên lưng của bạn thứ hai, hoặc vẽ một hình ảnh hay thể hiện một hành động để mô tả từ, cụm từ đó cho bạn thứ hai, và bạn thứ hai sẽ cố gắng truyền đạt lại cho bạn thứ 3, v.v. và học sinh đứng cuối hàng sẽ cần đoán từ, cụm từ được nhắc đến là gì.
Level 3
Hoạt động 1: Make a sentence / Fill in the blank(s)
Sau khi thực hiện một số hoạt động để đoán từ, cụm từ, bạn có thể cho học sinh của mình đặt 1 câu sử dụng từ, cụm từ đó. Bạn cũng có thể yêu cầu học sinh dùng các từ, cụm từ tìm được để điền vào chỗ trống trong câu, hay đoạn văn.
Các bạn có thể bắt đầu với những cấu trúc có sẵn. Ví dụ: bước đầu, học sinh có thể thay thế câu “I love apple” thành “I like banana”. Bước tiếp theo, học sinh có thể đổi thành “My mom’s favorite fruit is orange”.
Điều này rất có ích để giúp học sinh hiểu được các từ, cụm từ đó sẽ được sử dụng trong những tình huống thực tế như thế nào.
Hoạt động 2: Mindmap
Với hoạt động mindmap, bạn có thể cho 1 từ chủ đề và yêu cầu học sinh viết các từ hoặc cụm từ liên quan đến chủ đề đó. Ví dụ, nếu chủ đề của bạn là “travel”, học sinh có thể viết các từ như hotel, airport, train station, ticket, seat reservation, schedule, v.v.
Bạn có thể để học sinh viết bằng tiếng Việt, sau đó, cung cấp cho học sinh từ tiếng Anh. Thông thường, người ta có xu hướng nhớ những gì họ tự nghĩ ra, hay tò mò nên đây là một trong những hoạt động vô cùng hiệu quả để giúp người học nhớ bài tại lớp.
Hoạt động 3: Vocabulary bank
Ở hoạt động này, bạn có thể yêu cầu học sinh viết từng từ, cụm từ, thậm chí là câu họ học được vào 1 tờ giấy và lưu chúng lại thành một “ngân hàng từ vựng”. Sau đó, học sinh có thể lấy một tờ giấy bất kỳ để ôn cách viết, cách phát âm và cách dùng từ, cụm từ đó trong câu.
Lưu ý
Khi dạy từ mới, tùy trình độ của học sinh, bạn cũng cần cho học sinh biết nghĩa của từ là gì, từ được đánh vần như thế nào, phát âm ra sao, dạng (form) của từ là gì (đó là danh từ, động từ hay tính từ, v.v.), từ đó sẽ đi với những cụm từ nào (ví dụ ride a bike, take a taxi) hay sẽ được dùng trong những tình huống như thế nào, từ đồng nghĩa hay trái nghĩa của nó là gì, hay từ đó có thể có ý nghĩa nào khác không, v.v.
Ngoài ra, hãy sử dụng từ điển Cambridge để tra nghĩa và phiên âm của các từ mới để chắc rằng những gì bạn dạy cho học sinh là đúng và chính xác. Bạn cũng có thể tham khảo bài viết Ứng dụng công nghệ để dạy và và luyện phát âm để tìm hiểu thêm.
Với các giáo viên hay các bạn học sinh, sinh viên muốn rèn luyện thêm cách phát âm, các bạn có thể tìm hiểu thêm về khóa học phát âm của ECHO tại đây
Chúc các bạn thành công!
Ghi chú: Bài viết do giáo viên tại ECHO biên soạn.
Vui lòng trích dẫn nguồn. Xin cám ơn!