Tác động của hiệu ứng Pygmalion trong giáo dục

Hiệu ứng Pygmalion là gì?

Hiệu ứng Pygmalion là một hiện tượng tâm lý mà theo đó niềm tin của bản về khả năng của người khác sẽ ảnh hưởng đến cách bạn đối xử với người đó. Hành động này có tác động đến niềm tin của người khác về bản thân họ, khiến họ hành động đúng với kỳ vọng của chúng ta. Từ đó, một lần nữa khẳng định chúng ta đã nhìn đúng người. 

Ví dụ, trong gia đình, bạn có thể so sánh con cái của mình với nhau. Giả như bạn nghĩ rằng bé lớn thì thông minh, tài giỏi còn bé nhỏ thì ham chơi, lười biếng.

Một cách vô thức, khi bạn đối xử với các bé, bạn có thể hay khen ngợi bé lớn và động viên bé nếu bé có lỡ mắc sai lầm. Trong khi đối với bé nhỏ hơn, bạn lại hay la mắng khi bé mắc lỗi, và không quan tâm hay dành nhiều lời tán dương lúc bé làm được việc tốt.

Điều này khiến bé lớn ngày càng cảm thấy tự tin, yêu thương bản thân và quý mến bạn, từ đó, tiếp tục phát huy những điểm mạnh của bé, như chăm chỉ học bài, phụ giúp ba mẹ. Ngược lại, với bé nhỏ, bé sẽ cảm thấy như không được yêu thương, bé cũng không tự tin về bản thân và có xu hướng cho rằng mình không thể giỏi bằng anh/chị mình được. Bé sẽ càng bỏ bê việc học hành, chỉ muốn đi chơi và có thể hay cãi lời ba mẹ. Hành động của hai bé một lần nữa khẳng định suy nghĩ của bạn về hai con là đúng.

Trong môi trường giáo dục, nếu một giáo viên tin rằng một đứa trẻ chậm chạp, đứa trẻ cũng sẽ tin vào điều đó và có xu hướng tiếp thu chậm hơn. Đứa trẻ khác may mắn được giáo viên tin rằng chúng rất thông minh, cũng sẽ tin mình như vậy, và cũng sẽ có xu hướng học giỏi hơn và chăm ngoan hơn.

Giáo viên đó có thể vỗ ngực cho rằng bản thân thật rất biết nhìn người, tuy nhiên, rất có thể một cách vô thức, họ đã chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Pygmalion. Và ở môi trường làm việc cũng vậy, nhiều người cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi ý kiến chủ quan của những người xung quanh.

Vậy, quý vị phụ huynh và các anh chị em giáo viên đồng nghiệp ơi, chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực để góp phần giúp các con thêm yêu thương và tin tưởng vào bản thân, để các con có thể phát triển một cách toàn diện và sống một cuộc sống thật hạnh phúc sau này nhé!

Hãy tin vào chính mình!

Một thông điệp nữa mà ECHO muốn gử gắm đến các bạn đọc bài viết này là: “Hãy tin vào chính mình”. Bởi vì, khi chúng ta tin vào bản thân mình, chúng ta có thể hành động khác đi. Từ đó, khiến người khác cũng có xu hướng tin vào chúng ta hơn, ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của họ đối với chúng ta. Và rồi, sẽ lại giúp ta càng tin và yêu thương chính mình.

Trong các tình huống kể trên, chắc hẳn cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ mà học sinh, con em hay bạn bè, đồng nghiệp của chúng ta  sẽ cố gắng, nỗ lực để chứng minh điều ngược lại. Phải chăng đó là nhờ lòng tin của họ vào chính bản thân mình.

Một trong những ví dụ điển hình có thể đến là câu chuyện của J. K. Rowling – tác giả của bộ truyện Harry Potter, tác phẩm đã bị các nhà xuất bản từ chối 12 lần trước khi được phát hành lần đầu tiên vào năm 1997.

Nhờ sự kiên định, niềm tin của bản thân và có thể đâu đó là quyết tâm sống một cuộc sống tốt đẹp hơn đã giúp bà tiếp tục, nhất quyết không bỏ cuộc, để cuối cùng đạt được thành công mà bà mong muốn.

———

Bài viết được truyền cảm hứng từ video sau

———

Ghi chú: Bài viết do giáo viên tại ECHO biên soạn.
Vui lòng trích dẫn nguồn. Xin cám ơn!

error: Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách sử dụng các biểu tượng mạng xã hội bên dưới :)