Có rất nhiều phương pháp khác nhau và bạn nên thử xem cách nào là phù hợp với mình. Ở đây, ECHO sẽ chia sẻ phương pháp của mình nhé!
(Mời các bạn xem lại phần 1 tại đây)
– Đầu tiên, hãy luyện Nghe (listen) từng từ, từng cụm từ, từng câu.
– Tiếp theo, bắt chước (mimic) cách phát âm (pronunciation) của từng từ, cụm từ hay câu mà bạn nghe được. Để phát âm chính xác, bạn có thể quan sát (observe) khẩu hình miệng (formation of the mouth) và vị trí của lưỡi, môi (position of the tongue, lips) rồi bắt chước theo.
– Sau đó, đọc lại trước gương (mirror read) để quan sát khẩu hình miệng của mình.
– Ghi âm (record) để nghe lại âm thanh do bạn tạo ra và tự điều chỉnh lại cho chính xác, chú ý tới dấu nhấn (stress) và ngữ điệu (intonation) để điều chỉnh cách lên giọng, xuống giọng của mình
→ Dùng từ điển để dò phiên âm của các từng từ. Khi tập đọc, để ý đọc tất cả các âm một cách thật chính xác, đặc biệt chú ý các âm cuối (final sound).
Khi đọc, hãy cố gắng mở miệng to, đọc lớn, cường điệu hóa (exaggerate) âm thanh đó hơn một chút, để tập luyện và tạo thói quen cho cơ mặt. Tại sao vậy? Vì với các ngôn ngữ khác nhau, sẽ có một vài âm thanh của ngôn ngữ này không tồn tại trong ngôn ngữ kia. Ví dụ:
Tiếng Việt không có âm /s/ nằm ở cuối các từ như trong tiếng anh (ví dụ chữ six /sɪks/ – số 6), hay tiếng Việt không có âm /tʃ/, như trong chữ church /tʃɜːtʃ/ chẳng hạn. Do cơ miệng của chúng ta (nhất là người trưởng thành) đã quen với các âm thanh của ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, nên rất khó để bắt chúng tạo ra các âm thanh “lạ” của ngôn ngữ khác. Có lẽ vì vậy mà đa số người Việt khi học tiếng Anh thường không đọc được âm /s/ cuối, và vài người thật sự gặp khó khăn khi đọc âm /tʃ/.
Vậy thì khi luyện tập, việc đọc lớn, mở miệng lớn chính là lúc bạn đang “tập thể dục” cho cơ miệng của mình. Và nếu bạn luyện tập đủ thường xuyên thì dần dần, cơ của bạn sẽ ghi nhớ vị trí của nó để có thể sản xuất ra những âm thanh nhất định một cách chính xác. Một điều chắc chắn là khi luyện tập như vậy, bạn sẽ bị mỏi miệng đấy, nhưng đừng bỏ cuộc mà hãy tiếp tục cố gắng nhé. Giống như khi bạn gập bụng vậy, ban đầu sẽ đau nhức, mệt mỏi, nhưng sau đó, bạn có thể làm nó dễ dàng hơn rất nhiều.
“It doesn’t get easier, you just get stronger”
Ngoài ra, bạn nên sưu tầm các đoạn hội thoại hay các đoạn văn, phân tích cách phát âm (pronunciation), cách nhấn nhá (intonation) của các từ, cụm từ và câu trong đoạn hội thoại hay đoạn văn đó. Và sau đó, hãy đọc đi đọc lại các đoạn hội thoại hay các đoạn văn đó thường xuyên để luyện tập. Tốt hơn nữa, nên học thuộc lòng. Lý do cho việc này là khi bạn học thuộc thì dù bạn đang ở đâu, hay làm gì thì bạn vẫn có thể luyện tập được mà không cần sách vở gì cả. Ngoài ra, việc này cũng sẽ giúp bạn luyện khả năng phản xạ rất tốt nữa.
Tiếp theo, sau khi có thể nói tiếng Anh chuẩn (về mặt phát âm – pronunciation) và hay (về mặt ngữ điệu – intonation), bạn cần phải luyện cách phản xạ (reflex) và cách nói sao cho lưu loát (fluency). Để đạt được điều này không khó, tuy nhiên, cần sự nỗ lực và tự giác rất lớn từ bạn. Và điều duy nhất bạn cần làm sẽ là: đi tìm hoặc tạo ra càng nhiều cơ hội, càng nhiều môi trường mà ở đó, bạn có thể NÓI CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT.
Một số cách khác có thể giúp bạn luyện tập nâng cao
1. Tham gia CLB anh văn
Điều bạn muốn tìm kiếm là một môi trường có những người có niềm yêu thích tiếng anh và sẵn sàng trao đổi, trò chuyện với nhau bằng tiếng anh. CLB đó có thể có hoặc không có người bản ngữ cũng được. Khi tham gia, nên cố gắng chủ động, bắt chuyện và luyện nói với mọi người. Việc này sẽ giúp bạn luyện khả năng phản xạ rất hiệu quả. Bạn cần hiểu rằng những người tham gia CLB đó đều mong muốn luyện tập cả, vậy nên không có gì phải ngại ngùng cả. Hãy cứ tự tin lên nhé!
2. Nói một mình
Nếu trước đây, bạn sưu tầm các đoạn hội thoại hay đoạn văn rồi phân tích, học thuộc lòng, luyện đọc để chỉnh sửa cách phát âm (pronunciation) và ngữ điệu (intonation) của mình,…thì bây giờ, ngoài việc sưu tầm, bạn có thể tự viết ra những đoạn hội thoại, những đoạn văn ngắn với các chủ đề tự chọn. Bạn có thể bắt đầu từ các chủ đề đơn giản, như giới thiệu bản thân, sở thích, rồi chuyển sang các chủ đề khác, ví dụ như âm nhạc, nghệ thuật, phim ảnh, du lịch, môi trường, khoa học, kinh tế,… Ban đầu có thể viết cả bài, sau đó có thể viết ra những ý chính thôi.
Sau đó, tương tự, phân tích, học thuộc lòng (nếu muốn) và thường xuyên đọc đi đọc lại, nói đi nói lại bài viết của mình. Nên ghi âm lại bài nói của mình, điều này sẽ giúp bạn có cơ hội nghe lại và điều chỉnh cách phát âm, ngữ điệu và kiểm tra lại phần ngữ pháp và từ vựng của mình.
3. Đọc sách + xem/nghe các đoạn phỏng vấn/diễn thuyết
Để mở rộng vốn từ, học hỏi thói quen dùng từ của người bản ngữ để tạo nói một cách tự nhiên hơn thì việc đọc sách, việc xem hay nghe các đoạn phỏng vấn và các bài diễn thuyết bằng tiếng anh của người khác cũng là một phương pháp rất hay để luyện tập. Hơn nữa, ngoài tiếng Anh thì chắc chắn bạn sẽ học thêm được một điều gì đó bổ ích. Ví dụ như các kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm, hay những vấn đề liên quan đến xã hội, môi trường, cuộc sống,…
Tham khảo Những bài TED Talks cực hay, vừa nghe vừa học tiếng Anh
4. Nói chuyện trước công chúng (practice public speaking skills)
Nếu việc nói một mình cho bạn cơ hội để xem xét, chuẩn bị kỹ lưỡng bài nói của mình thì việc trang bị cho mình kỹ năng nói trước đám đông sẽ vừa giúp bạn gia tăng sự tự tin, vừa giúp bạn luyện tập khả năng phản xạ. Và trong thời đại ngày nay, kỹ năng này sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn đạt được thành công.
5. Đi nước ngoài
Đặt bản thân vào một môi trường mà bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Trò chuyện với người khác không chỉ là cơ hội giúp bạn luyện tiếng anh mà còn là cơ hội giúp bạn mở rộng thêm các mối quan hệ, kết nối với bạn bè. Qua đó, bạn có thể cùng chia sẻ, học hỏi, cũng như tìm hiểu thêm về đất nước, con người cũng như những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên khắp thế giới.
Ghi chú: Bài viết do giáo viên tại ECHO tham khảo và biên soạn từ kinh nghiệm cá nhân và các sách sau đây:
– Oxford Advanced Learner’s’ Dictionary – 7th Edition
– English Pronunciation in use – Elementary – Jonathan Marks
– Mastering the American Accent – Lisa Mojsin, M.A
Vui lòng trích dẫn nguồn. Xin cám ơn!