Mục đích của việc học ngoại ngữ của bạn là gì?
Là sự tự tin? Kiến thức? Kỹ năng? Cơ hội nghề nghiệp? Các mối quan hệ quốc tế? Những tình bạn xuyên biên giới? Hay sự tự do, được du lịch, khám phá những vùng đất khác nhau ở khắp các châu lục trên thế giới?…
Để làm được điều đó, trước tiên, bạn phải giao tiếp cho tốt, phải sử dụng được ngôn ngữ đó mới được.
Vậy thế nào là giao tiếp tốt?
Có 4 phương thức giao tiếp cơ bản: nghe (listening), nói (speaking), đọc (reading), viết (writing). Giao tiếp tốt, tức là bạn sử dụng tốt 4 phương thức này để truyền đạt suy nghĩ, ý tưởng của bạn tới người khác và ngược lại.
Phương thức giao tiếp nào là quan trọng nhất?
Câu trả lời là cả 4 phương thức giao tiếp đều quan trọng. Nhưng, NGHE và NÓI là hai kỹ năng cơ bản nhất, nên được tập trung đầu tư, luyện tập trước nhất khi tiếp xúc với bất kỳ một ngôn ngữ nào.
1. Học NGHE
– Cách tốt nhất để học nghe là: NGHE THẬT NHIỀU. Không có cách nào khác!
– Để luyện nghe được hiệu quả, bạn nên nghe nhạc, xem phim có phụ đề tiếng Việt và thậm chí còn tốt hơn nếu xem video có phụ đề ngôn ngữ mà bạn muốn học.
→ Khi nghe, bạn nhớ chú ý cách phát âm (PRONUNCIATION) của các từ, cụm từ và câu.
Nghe chưa hiểu cũng không sao. Vì mục tiêu của chúng ta không phải là hiểu hết tất cả những gì mà bạn nghe được. Mục tiêu của chúng ta là luyện cho (lỗ tai) bạn quen với âm thanh (sound) của ngôn ngữ đó.
Rất nhiều người xem phim Hàn biết cách nói một số câu tiếng Hàn đơn giản mà không cần qua trường lớp nào là cũng nhờ vậy. Họ đã nghe rất nhiều (với phụ đề) âm thanh của các từ, cụm từ và câu. Các từ, cụm từ hay câu này được lặp lại nhiều lần và dần dần, họ sẽ thấy quen thuộc với âm thanh đó. Và khi họ nghe thấy âm thanh đó lần nữa, dù không có phụ đề, họ vẫn có thể hiểu được.
Với tiếng Anh, một số từ khi đứng một mình có thể được đọc khác so với khi đứng trong một cụm từ, hay một câu. Lý do chính là vì khi đó, một số từ sẽ được linked – liên kết, đọc nối lại với nhau, một số từ khác sẽ bị reduced – rút gọn. Chính vì vậy có những cụm từ và câu, khi viết ra thì bạn có thể hiểu được, nhưng khi nghe người khác (nhất là người bản ngữ) nói, có thể bạn sẽ không thể nhận ra được những từ rất quen thuộc đó.
Ví dụ:
– My name→is→Susan. → đọc là /mai nei→mi→suzən/. Các phụ âm được linked với các nguyên âm đứng sau nó
– I am going to buy a new house. đọc là /aim ‘gʌnə bai ə njuː haʊs/. Chữ going to, thay vì đọc là /’gəʊɪŋ tʊ/ thì lại được reduced và đọc thành /‘gʌnə/
– “T” là một trong các trường hợp đặc biệt. Khi âm /t/ nằm giữa hai âm nguyên âm, âm thứ 2 không có dấu nhấn, thì âm /t/ được đọc nhanh như âm /d/ và được phiên âm là /t̬/. Ví dụ: potato /pəˈteɪ.t̬oʊ/ party /ˈpɑːr.t̬i/ hay Not→at→all → đọc là /nɒ→dæ→dɑːl/
Tương tự, dấu nhấn (stress) cũng là một trong những nhân tố cần quan tâm khi học nghe, nói. Trong câu, người ta có xu hướng nhấn mạnh các từ quan trọng và nói lướt qua những từ ít quan trọng hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đến ngữ điệu (INTONATION), vì nó có tác dụng giúp câu nói nghe tự nhiên hơn, giúp truyền tải được cảm xúc hay suy nghĩ của người nói tốt hơn.
Ví dụ cùng một câu: “Oh my God!”, nhưng có lúc nó được dùng để diễn tả sự ngạc nhiên, có khi nó được dùng để thể hiện sự đau đớn, tùy vào ngữ điệu của người nói. Hay câu “She is smart”, nếu được đọc bình thường, nó có nghĩa khẳng định, ý nói cô gái này thông minh. Nhưng nếu được nói lên giọng cuối câu, nó lại có nghĩa nghi vấn, ý nói cô gái này thông minh thật à. Hay đôi khi, người nói có thể có ý nói: cô gái này theo tôi biết thì không thông minh đâu… Quả là ấn tượng phải không nào?
Do vậy, việc luyện nghe thường xuyên, học hỏi để hiểu thêm về PRONUNCIATION và INTONATION sẽ giúp bạn NGHE tốt hơn và từ đó, khả năng NÓI cũng sẽ ngày càng tiến bộ.
2. Học NÓI
Tại sao nghe tốt sẽ giúp bạn nói tốt. Đơn giản là vì việc nói bắt đầu bằng quá trình bắt chước và lặp đi lặp lại những âm thanh mà bạn nghe được. Giống như cách trẻ con học nói vậy, chúng nghe và bắt chước. Vậy khi nghe, ngoài việc chú ý cách phát âm của người nói, bạn cần phải cố gắng bắt chước, cố gắng tạo ra được âm thanh đó, càng chính xác càng tốt. Sau quá trình luyện tập, lắng nghe và bắt chước thường xuyên, bạn sẽ có khả năng “sản xuất” ra âm thanh đó, một cách dễ dàng, như khi bạn nói tiếng Việt vậy.
Thật ra, việc học một ngôn ngữ có thể được hiểu là quá trình xây dựng và hình thành thói quen kết hợp các âm thanh khác nhau để diễn tả một điều gì đó. Nghe có vẻ trừu tượng, nhưng nếu bạn thử tưởng tượng thì đó là sự thật. Ví dụ, nếu bạn được dạy gọi “cái bàn” là “cái ghế” thì sẽ thế nào? Nếu bạn được dạy là phải nói “Tôi thích dâu mứt” thay vì “Tôi thích mứt dâu” thì sẽ thế nào?… Thế đó, muốn học nói, trước nhất hãy cứ lắng nghe và bắt chước. Kết hợp với việc luyện tập thường xuyên, bạn sẽ nhanh chóng tiến bộ.
Mỗi người sẽ có một phương pháp khác nhau, nên hãy cứ thử nhiều phương pháp và xem cách nào là phù hợp với mình nhất. Xem tiếp phần 2 tại đây để tìm hiểu thêm về phương pháp mà ECHO đang áp dụng nhé!
Ghi chú: Bài viết do giáo viên tại ECHO tham khảo và biên soạn từ kinh nghiệm cá nhân và các sách sau đây:
– Oxford Advanced Learner’s’ Dictionary – 7th Edition
– English Pronunciation in use – Elementary – Jonathan Marks
– Mastering the American Accent – Lisa Mojsin, M.A
Vui lòng trích dẫn nguồn. Xin cám ơn!